KTNB phải đưa quản trị doanh nghiệp vào chương trình đánh giá rủi ro và cân nhắc lập kế hoạch kiểm toán trong thời gian tới.

Quản trị doanh nghiệp – yếu tố quan trọng thường bị bỏ qua trong hoạt động kiểm toán

Kiểm Toán Nội Bộ
Facebook0
LinkedIn

(BKTO) – Quản trị (G) trong bộ ba ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đóng vai trò then chốt, là xương sống gắn kết các lĩnh vực khác lại với nhau, đảm bảo không chỉ tính hiệu quả của chúng mà còn góp phần vào khả năng phục hồi và phát triển bền vững của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, tầm quan trọng của quản trị đôi khi bị lu mờ, nằm ngoài tầm chú ý của kiểm toán nội bộ (KTNB).

KTNB phải đưa quản trị doanh nghiệp vào chương trình đánh giá rủi ro và cân nhắc lập kế hoạch kiểm toán trong thời gian tới.
KTNB phải đưa quản trị doanh nghiệp vào chương trình đánh giá rủi ro và cân nhắc lập kế hoạch kiểm toán trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ

Thăng tiến nghề nghiệp Kiểm toán Nội bộ với CIA (Certified Internal Auditor) [Khai giảng CIA: 11/05/2024]

Quản trị là mấu chốt gắn kết chặt chẽ bộ ba ESG

Các doanh nghiệp đã buộc phải đưa ESG vào chiến lược phát triển do áp lực ngày càng tăng của nhà đầu tư, cũng như các quy định khắt khe của chính phủ nhằm quyết tâm thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hầu hết các nhà lãnh đạo tập trung vào môi trường (E), xã hội (S) mà bỏ qua yếu tố quản trị.

Theo các chuyên gia về KTNB, quản trị doanh nghiệp giống như bộ quy tắc cho sự tham gia của một công ty vào thế giới kinh doanh. Nó đặt ra các hướng dẫn để đảm bảo sự công bằng và minh bạch về cách thức điều hành một công ty. Tương tự như thể thao, quản trị doanh nghiệp tốt giống như có một đội trưởng luôn quan tâm đến lợi ích tốt nhất của toàn đội, đảm bảo mọi người chơi công bằng và giúp đội đạt được mục tiêu, đồng thời có trách nhiệm với các bên liên quan. Ngược lại, nếu quản trị sai hướng, dù công ty đang rất thành công, cung cấp nhiều sản phẩm thông minh thì nguy cơ sụp đổ vẫn hiện hữu ngay trước mắt.

Về cốt lõi, quản trị doanh nghiệp bao gồm một số bộ phận chính, đóng vai trò dẫn dắt công ty hướng tới thành công. Trong đó: Hội đồng quản trị giám sát chiến lược của công ty, bổ nhiệm Giám đốc điều hành, đảm bảo công ty tuân thủ các quy tắc và hành động vì lợi ích tốt nhất của các bên liên quan; Tính minh bạch đảm bảo các hành động và thông tin tài chính của công ty được hiển thị và dễ hiểu; Trách nhiệm giải trình tạo niềm tin giữa công ty và các bên liên quan. Đây là lý do tại sao việc công bố thông tin thị trường và báo cáo tài chính hằng năm lại rất quan trọng.

Quản trị doanh nghiệp hiệu quả bao gồm việc đánh giá rủi ro và có kế hoạch sẵn sàng để vượt qua các thách thức; có kỹ năng, kiến thức và tư duy đa dạng tạo nên sự phù hợp về văn hóa để ban hành chiến lược và quản trị doanh nghiệp.

Điều đáng ngạc nhiên là cho dù quản trị doanh nghiệp đóng vai trò hướng dẫn, điều phối toàn bộ hoạt động của công ty thì KTNB vẫn theo truyền thống chỉ tập trung vào báo cáo tài chính và quy trình hoạt động. Những câu chuyện gần đây về tình trạng hỗn loạn dẫn đến sụp đổ doanh nghiệp trong chốc lát đều có thể quy lại thành những thất bại trong quản trị doanh nghiệp. Ví dụ như, FTX – một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới từng được định giá hơn 32 tỷ USD đã sụp đổ chỉ sau hơn một tuần do các cáo buộc về quản lý tài chính yếu kém và những gian lận của nhà lãnh đạo. Hay như trường hợp của OpenAI với cơ cấu hội đồng quản trị và các quy định sai lầm gây ra một “cơn bão” lớn không kịp trở tay.

Rõ ràng, quản lý yếu kém không chỉ ảnh hưởng đến chính công ty đó mà còn có những ảnh hưởng mang tầm quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ mới nổi. Các chuyên gia của IIA nhấn mạnh rằng, một công ty lớn mạnh có thể thất bại trong chớp mắt nếu thiếu một ban lãnh đạo đủ mạnh để giám sát, thiếu quy trình quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ. Hơn lúc nào hết, KTNB sẽ có cơ hội gia tăng giá trị bằng cách tương tác với hội đồng quản trị hoặc xem xét quy trình quản trị.

Kiểm toán cần đánh giá cụ thể về quản trị công ty

Sự xuất hiện của những vụ bê bối dẫn đến doanh nghiệp lớn dễ dàng phá sản như một lời nhắc nhở sâu sắc về tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp. Nó cũng là một hồi chuông nhắc nhở KTNB phải đưa quản trị doanh nghiệp vào chương trình đánh giá rủi ro và cân nhắc lập kế hoạch kiểm toán trong thời gian tới.

Điều này liên quan đến việc xác định phạm vi và thực hiện các đánh giá cụ thể về quản trị công ty, bao gồm: Đánh giá cơ cấu quản trị và quy định (thành phần, tính đa dạng và kinh nghiệm của Hội đồng quản trị); Đánh giá tính hiệu quả của Hội đồng quản trị bằng cách xem xét các ghi chú cuộc họp, quy trình ra quyết định và mức độ giám sát được cung cấp; Xem xét các chính sách và thủ tục của công ty như: Quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn đạo đức…

Bên cạnh đó, các kiểm toán viên nội bộ không thể bỏ qua các hoạt động quản lý rủi ro bằng cách đánh giá các hoạt động quản lý rủi ro của công ty và mức độ chúng được tích hợp vào khuôn khổ quản trị tổng thể. Điều này liên quan đến việc xem xét các phương pháp đánh giá rủi ro, chiến lược giảm thiểu rủi ro và tính hiệu quả của kiểm soát nội bộ.

Ngoài ra, khi nói đến kiểm toán và quản trị doanh nghiệp, các kiểm toán viên phải kiểm tra các tiêu chuẩn đạo đức và quy tắc ứng xử, đặc biệt nhấn mạnh vào tính liêm chính, công bằng và thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Điều này bao gồm việc đánh giá liệu tổ chức có tuân thủ các nguyên tắc và giá trị đã được thiết lập hay không, chẳng hạn như: Tính trung thực, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Bằng cách duy trì các tiêu chuẩn đạo đức này, các tổ chức có thể xây dựng niềm tin giữa các bên liên quan và đảm bảo rằng hành động của họ phù hợp với kỳ vọng của xã hội, góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh bền vững và uy tín.

Việc tiến hành kiểm toán quản trị doanh nghiệp có tác động tích cực đến các hoạt động về ESG của tổ chức. Kiểm toán đánh giá hiệu quả hoạt động môi trường, thúc đẩy trách nhiệm xã hội, tăng cường sự tham gia của các bên liên quan, quản lý rủi ro liên quan đến ESG và nâng cao danh tiếng cũng như giá trị thương hiệu. Việc tích hợp đầy đủ các yếu tố về ESG vào kế hoạch kiểm toán cho phép các tổ chức đảm bảo tuân thủ, thúc đẩy thay đổi tích cực, nâng cao các hoạt động bền vững và tạo ra giá trị lâu dài cho tất cả các bên liên quan./.

Nguồn: Báo Kiểm Toán 

Facebook0
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.